11.02.2012: Luật sư Trần Đình Triển bàn về luật vụ Tiên Lãng

Trả lời phỏng vấn RFI LS Trần Đình Triển cho rằng:

“Đã là quyết định thu hồi đất sai, cưỡng chế sai, thì người ta chống lại cái đó là chống lại hành vi trái pháp luật của người và tổ chức khác, không thể nói rằng người ta chống thi hành công vụ được. Đã là thi hành công vụ, thì đấy là người công chức nhà nước hay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ để thực hiện việc công, và việc công đó phải đúng pháp luật. Còn ở đây việc trái pháp luật thì tại sao lại gọi là chống người thi hành công vụ được. Tôi ví dụ như cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, mà người vi phạm luật lệ giao thông như vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều, cảnh sát tuýt còi để xử phạt mà chống lại cái việc đó thì chống người thi hành công vụ. Nhưng ngược lại người cảnh sát đó, công dân người ta không vi phạm anh không có quyền kiểm tra người ta. Anh tuýt còi để đưa ra yêu cầu abc, mà người ta chống lại việc đó thì không thể gọi là chống người thi hành công vụ được. Đó là mối quan hệ biện chứng.

Cái nữa là trong bộ luật hình sự của ViệtNamđã nói rằng, người ta được quyền chống lại việc làm sai của pháp luật, nhưng không được vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bây giờ Thủ tướng đã khẳng định thu hồi đất sai, cưỡng chế sai và phá dỡ nhà sai. Vậy thì người ta chống lại cái sai đó là hợp pháp, nhưng có mức độ. Chứ còn việc ông Vươn sử dụng vũ khí nọ kia thì đấy là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà pháp luật không cho phép. Do đó việc truy tố một số người trong gia đình ông Vươn về tội giết người theo điều 93 là không đúng pháp luật. Mà theo quan điểm của tôi là truy tố ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.”

Còn đây là ý kiến của một số người khác trên báo Pháp luật 14.02.2012

– Thạc sĩ Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM): “Về nguyên tắc, một quyết định hành chính có hiệu lực phải được thi hành. Còn quyết định đó đúng hay sai, người dân có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Nếu họ không chấp hành, chống lại lực lượng cưỡng chế bằng vũ lực, dùng hung khí, vũ khí… thì hành vi đó là chống người thi hành công vụ, bất kể có oan ức hay không”.

– Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM: “Chúng ta phải khẳng định một điều là người thi hành công vụ đúng hay sai cũng là làm nhiệm vụ nhà nước. Người dân chống lại việc cưỡng chế một cách trái pháp luật là vi phạm pháp luật, ở mức độ nghiêm trọng là phạm tội hình sự. Kết luận việc cưỡng chế sai chỉ là tình tiết giảm nhẹ cần đặc biệt lưu ý khi xử lý mà thôi”.

– Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói: Chúng ta phải khẳng định là ông Vươn và người thân có tội nhưng xét nguyên nhân phạm tội là do bị o ép bức xúc kéo dài gây nên sự kích động về tinh thần. Vì thế nên xem xét giảm nhẹ tối đa, thậm chí nếu có thể miễn trách nhiệm hình sự cho ông Vươn và người thân. Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng có ý kiến đề xuất như vậy trong lần trao đổi mới đây với PV.

Tư Mã Thiên: Dĩ nhiên, ai cũng muốn anh em Đoàn Văn Vươn được xử lí ở mức nhẹ nhất để làm hài lòng người dân. Nhưng thà phát biểu với tư cách một người dân (như phát biểu của nguyên chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị) còn hơn phát biểu với tư cách của một luật sư. LS Trần Đình Triển đang phát biểu nhằm đánh bóng tên tuổi (phát biểu theo mong muốn của người dân) hơn là phân tích khía cạnh của pháp luật.

 

Một bình luận

  1. Ví dụ so sánh CSGT tuýt còi người không phạm luật với vụ ĐVV cười vỡ bụng. Bó tay với luật sư.

    Triển mang hơi hướm kiểu Cù Vũ, nhưng mức độ khùng và hoang tưởng thì thấp hơn Vũ một chút.

Bình luận về bài viết này